TĂNG CƯỜNG SỨC ĐỀ KHÁNG TRONG MÙA DỊCH COVID 19

Sức đề kháng được xem là “chìa khóa vàng” giúp bảo vệ sức khỏe trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh.

Cuộc chiến chống Covid vẫn chưa có hồi kết thúc khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát và lây lan với các chuẩn biến thể mới đáng lo ngại toàn cầu. Do đó, bên cạnh những khuyến cáo 5K của Bộ Y Tế như: đeo khẩu trang, tránh đến những nơi đông người, rửa tay thường xuyên,… thì việc tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể được coi là “vũ khí” hữu hiệu để phòng thủ loại virus nguy hiểm này.

Sức đề kháng chính là “chìa khóa vàng” giúp bảo vệ sức khỏe trước mọi sự tấn công của các tác nhân bên ngoài đồng thời chống lại virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… xâm nhập vào trong cơ thể và gây bệnh. Những người có sức đề kháng tốt, cơ thể sẽ khỏe mạnh ít nguy cơ mắc các bệnh hơn, nếu không may mắc bệnh thì bệnh nhẹ và khả năng phục hồi nhanh hơn.

Phân loại sức đề kháng

Sức đề kháng được chia thành 2 loại là sức đề kháng tự nhiên và sức đề kháng tổng hợp. Trong đó sức đề kháng tự nhiên là sức đề kháng mà cơ thể sinh ra đã có, còn sức đề kháng tổng hợp chủ yếu là từ chế độ dinh dưỡng hợp lý, tiêm phòng vắc-xin và tập thể dục thể thao đều đặn.

Tăng cường sức đề kháng như thế nào?

Sức đề kháng dễ bị suy giảm khi chúng ta có chế độ sinh hoạt không lành mạnh, môi trường sống ô nhiễm, stress nhiều… đặc biệt là ở các đối tượng: người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính, trẻ em, phụ nữ mang thai, người mới ốm dậy. Khi sức đề kháng suy yếu, hệ miễn dịch sẽ trở nên mỏng manh dễ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là Covid-19. Vì vậy, để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể luôn khỏe mạnh chống lại các tác nhân gây bệnh, chúng ta cần thiết lập độ dinh dưỡng giàu vitamin và khoáng chất cho cơ thể:

Vitamin A

Có vai trò rất quan trọng đối với hệ miễn dịch. Nhiều nghiên cứu khẳng định, việc bổ sung đầy đủ vitamin A sẽ là giảm 23% tử vong ở trẻ.  Thiếu vitamin A sẽ làm các tuyến ngoại tiết giảm bài tiết, sức đề kháng suy giảm, khả năng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn giảm. Vitamin A thường có nhiều trong các thực phẩm như: gấc, rau ngót, rau dền, gan gà,…

Vitamin E

Vitamin E  giúp làm tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Đồng thời, vitamin cùng giúp bảo vệ vitamin A và chất béo của màng tế bào khỏi bị oxy hóa, tham gia vào chuyển hóa tế bào. Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm như: đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, dầu hướng dương, và các loại rau có màu xanh đậm.

Vitamin C

Vitamin C góp phần tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng bằng cách hỗ trợ chức năng của các tế bào khác nhau trong cả hệ thống miễn dịch. Hơn 90% lượng vitamin C có trong các loại rau củ: rau ngót, rau dền, rau đay, rau mồng tơi, bưởi, đu đủ, quýt, cam, chanh,…

Vitamin D

Là một vitamin tan trong chất béo, có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. 80-90% vitamin D chủ yếu là được tổng hợp ở da bởi bức xạ tia cực tím mặt trời B (UV-B) thông qua việc tắm nắng còn 10-20% do chế độ ăn uống. Các thực phẩm giàu vitamin D như lòng đỏ trứng, hải sản, gan cá,…

Vitamin nhóm B

Trong các vitamin nhóm B, có vitamin B9 và vitamin B6 giúp thúc đẩy tổng hợp của các tế bào tham gia vào các cơ chế miễn dịch. Vitamin nhóm B có nhiều trong các thực phẩm như: cám gạo, ngũ cốc, các loại hạt đậu, mầm lúa mì,…

Sắt

Sắt cần thiết cho tổng hợp ADN hay còn gọi là quá trình phân bào.Thiếu sắt, nguy cơ nhiễm khuẩn tăng. Sắt có nhiều trong các thực phẩm như: mộc nhĩ, nấm hương, rau dền đỏ, đậu tương, tiết bò, lòng đỏ trứng vịt, cua đồng,..

Kẽm

Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, giúp vết thương mau lành, duy trì vị giác và khứu giác. Kẽm tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể. Các thực phẩm giàu kẽm như: thịt, cá, tôm, sò, sữa, trứng, hàu,..

Chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý sẽ giúp tăng sức đề kháng là tiền đề cho việc giữ cơ thể luôn khỏe mạnh. Một bữa ăn cần phải ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng: chất bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, để nâng cao sức đề kháng chúng ta cần uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày để thanh lọc cơ thể, tập thể dục thường xuyên, giữ cho tinh thần thoải mái, hạn chế các chất kích thích như rượu bia, cafe, đồ uống có ga,…và bổ sung thêm thực phẩm giúp tăng đề kháng.

.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *